Trung tâm Hỗ trợ Phát triển vì Phụ nữ và Trẻ em

Thạch Thành (Thanh Hóa) - Câu chuyện từ nhóm trồng Hành & Tỏi hữu cơ

Câu chuyện được chia sẻ bởi chị Hiên, một thành viên nhóm nông dân tại thôn Cẩm Bộ, xã Thành Minh. Đây là một trong những mô hình nông nghiệp hữu cơ theo tổ nhóm được thực hiện trong khuôn khổ dự án do Bánh mỳ cho Thế giới tài trợ nhằm cải thiện khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu cho người dân tại huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa.

Chị Hiên - Thôn Cẩm Bộ

Thôn Cẩm Bộ có truyền thống trồng hành, tỏi đã rất lâu đời, từ thời ông cha truyền lại. Tuy nhiên việc trồng hành tỏi của bà con ngày càng phụ thuộc nhiều vào phân bón học, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe của chính người sản xuất. Bà con có thói quen lạm dụng phân đạm trong sản xuất. Khi có hiện tượng sâu bệnh hại, bà con chỉ biết đến quầy thuốc BVTV hỏi rồi họ chỉ gì thì phun đó, không biết các biện pháp an toàn hơn để thay thế. Mỗi vụ hành, tỏi bà con phải phun 5 lần/vụ nên khi đi làm đồng mà không mang ủng sẽ bị nước ăn chân, rát và ngứa chân do đất có nhiễm thuốc hóa học.

Hơn nữa, giá bán hành, tỏi không ổn định, có những năm được mùa nhưng mất giá, nông dân chán nản không muốn sản xuất, dẫn đến đang dần mai một giá trị truyền thống đó.

Sau khi được tiếp cận dự án Bánh mỳ, nhận thức và thói quen canh tác của bà con đang dần thay đổi. Thời gian đầu được tiếp cận với dự án, các thành viên nhóm đều rụt rè ngại giao tiếp và không dám phát biểu ý kiến của mình trong những buổi tập huấn, bởi họ đa số đều là những phụ nữ quanh năm “chân lấm tay bùn”, “những người dân chân chất”, “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”. Rồi dần sau đó, qua các lớp tập huấn, bắt đầu từ tháng tư năm 2021, bà con đã dần cởi mở hơn và năng động hơn. Qua các lớp tập huấn và hướng dẫn của cán bộ dự án, bà con đã biết cách làm việc cùng nhau, biết cách quản lý vận hành nhóm nhờ đó mà mọi người trong nhóm đoàn kết hơn. Các thành viên cùng nhau họp, chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng kế hoạch định kỳ để phát triển nhóm. Bà con cũng không ngần ngại chia sẻ cách làm phân hữu cơ, vi sinh bản địa cho những hộ dân xung quanh để họ hiểu hơn về vấn đề bảo vệ môi trường và sức khỏe.

Bà con biết cách ủ phân vi sinh, phân hữu cơ, thuốc thảo mộc, vi sinh bản địa để chăm sóc cho cây trồng thay thế hoàn toàn thuốc bảo vệ thực vật hóa học, phân bón hóa học. Nhờ đó, không gây độc hại cho môi trường, không gây độc cho sức khỏe người sản xuất và  đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Giờ đây bà con đã hoàn toàn yên tâm về vấn đề sức khỏe khi nhắc tới nông nghiệp bởi họ không còn phải tiếp xúc với chất gây hại nữa.

Cũng nhờ có dự án, bà con đã mạnh dạn giao tiếp, tự tin quảng bá sản phẩm truyền thống của địa phương. Sản phẩm hành tỏi của bà con nhóm mô hình Cẩm Bộ bước đầu đã được nhiều khách hàng biết đến và ưa chuộng.

Kết quả tích cực bước đầu đó đã tạo dựng cho bà con niềm tin để tiếp tục hành trình nông nghiệp bền vững. Bà con hiểu rằng để làm được mô hình thành công, bà con chúng tôi cũng sẽ phải dành nhiều công sức hơn, nhưng ai cũng vui, phấn khởi vì mang lại nhiều giá trị tích cực, không chỉ cho chính mình mà cho cả cộng đồng. Vì thế bà con chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục cố gắng và nỗ lực từng ngày để phát triển và lan tỏa mô hình trồng hành, tỏi hữu cơ đến nhiều bà con trong thôn, trong xã và nhiều địa phương khác.

Theo ghi chép, chia sẻ của bạn Trương Thị Hiên Hiên, thành viên nhóm mô hình trồng hành tỏi hữu cơ Cẩm Bộ


© Copyright 2019-2024 Trung tâm Hỗ trợ Phát triển vì Phụ nữ và Trẻ em.