Trung tâm Hỗ trợ Phát triển vì Phụ nữ và Trẻ em

Bắc Kạn, Bạch Thông - Triển vọng từ mô hình trồng dưa lê trong nhà lưới tại xã Nguyên Phúc

Dưa lê là loại quả được trồng khá phổ biến tại xã Nguyên Phúc từ nhiều năm nay, trong thời gian gần đây trồng dưa lê trong nhà lưới đang là một hướng đi mới đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương.

Câu chuyện được đăng trên trang thông tin điện tử của UBND huyện Bạch Thông.

Chúng tôi đến thăm vườn dưa lê trong nhà lưới của nhóm chị em phụ nữ thôn Nà Lốc, xã Nguyên Phúc trong thời điểm dưa lê đang bắt đầu cho thu hoạch, trao đổi với chúng tôi chị Triệu Thị Vân Anh – Trưởng nhóm thực hiện mô hình cho biết “Mô hình được triển khai từ đầu năm 2022, trên diện tích 1.200m2, dưa lê trồng trong nhà lưới sinh trưởng khỏe, phát triển nhanh, kháng bệnh rất tốt và năng suất cao hơn trồng bên ngoài”.

 Mô hình trồng dưa lê trong nhà lưới tại thôn Nà Lốc

Xã Nguyên Phúc có truyền thống trồng dưa lê từ nhiều năm nay, diện tích trồng hằng năm gần 04 héc ta, năng suất bình quân đạt khoảng 12,4 tấn/ héc ta, sản lượng gần 05 tấn/vụ, với giá bán giao động từ 20.000 đồng – 25.000 đồng/1kg mỗi héc ta người trồng thu về trên 200 triệu đồng. Lợi nhuận đem lại từ trồng cây dưa lê đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, nâng cao thu nhập và vươn lên phát triển kinh tế cho nhiều hộ gia đình tại xã Nguyên Phúc. Tuy nhiên, qua thăm nắm, trong canh tác, bà con còn phụ thuộc nhiều vào phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, điều này làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và chất lượng dưa chưa thật sự đảm bảo. Nhận thức được điều đó, các chị em phụ nữ thôn Nà Lốc, thôn Nà Rào đã tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ Tổ chức Bánh mỳ cho thế giới tài trợ, mỗi mô hình 60 triệu đồng cùng với đối ứng của các thành viên trong nhóm đã mạnh dạn thực hiện 02 mô hình sản xuất dưa lê siêu ngọt trong nhà lưới theo hướng nông nghiệp hữu cơ.

Với sự đầu tư bài bản về nhà màng và lưới chuyên dụng đã tạo môi trường vi khí hậu khép kín cho cây trồng, giúp tránh các loại sâu bệnh gây hại, không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nên tạo ra sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nông sản sạch trên thị trường. Đồng thời, trồng trong nhà lưới có thể tăng số vụ trồng trong năm hoặc luân canh nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như dưa lưới, dâu tây, dưa hấu… Đang vận hành hệ thống tưới phun mưa trong nhà lưới để cung cấp độ ẩm cho cây trồng, chị Hoàng Thị Bé – Trưởng nhóm thực hiện mô hình thôn Nà Rào hào hứng chia sẻ: “Cùng với vụ dưa lê đầu tiên trong nhà lưới đang chuẩn bị cho thu hoạch, các thành viên trong nhóm đang thí điểm trồng thêm dưa hấu, dưa lưới, cà chua theo hướng hữu cơ, các cây trồng đang phát triển rất tốt”.

Trồng dưa lê trong nhà màng không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm

Thành công ban đầu có thể thấy, mô hình trồng dưa lê trong nhà lưới tại xã Nguyên Phúc đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với nhiều loại cây trồng khác tại địa phương, đồng thời mở ra hướng đi mới cho sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp sạch của huyện Bạch Thông nói chung, xã Nguyên Phúc nói riêng. Mặt khác, việc trồng dưa lê trong nhà lưới có nhiều ưu điểm, như: quản lý cây trồng tốt hơn, giúp tránh tác động của thiên tai và ngăn côn trùng xâm nhập, nông dân giảm chi phí do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm sản phẩm sạch và bảo vệ sức khỏe người trồng lẫn người tiêu dùng… Tuy nhiên, mô hình đòi hỏi nhiều kỹ thuật, nên nông dân cần nắm vững kiến thức trước khi thực hiện. Cùng với đó là chi phí đầu tư ban đầu khá lớn, nên người dân chưa có điều kiện áp dụng đại trà nhưng với những thành quả ban đầu đem lại từ thực hiện mô hình sẽ tạo động lực cho người dân mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp tại địa phương./.

Nguyễn Thị Dâng


© Copyright 2019-2024 Trung tâm Hỗ trợ Phát triển vì Phụ nữ và Trẻ em.